Son môi có một sức hút mãnh liệt đối với chị em phụ nữ, thậm chí ngay cả những cô gái mới lớn đều sở hữu riêng cho mình hàng chục thỏi son.
Dễ thấy, con gái ngày nay khi ra đường ai cũng phải thoa ít son môi mới cảm thấy tự tin, đến cả các bạn học sinh cũng chẳng còn cái thời mặt mộc nữa, không son dưỡng thì cũng son màu: hồng, đỏ, cam…..Có thể thấy, phái đẹp càng lạm dụng vào son, họ không thể nào ra đường với đôi môi nhợt nhạt, thậm chí nếu quên son thì nhất quyết đeo khẩu trang không dám gặp người khác. Thế mới biết con gái “cuồng son” đến mức độ nào.
Mặc dù sử dụng son hằng ngày là vậy nhưng đa phần các nàng ít quan tâm đến nguồn gốc của son, mỗi khi mua thường quan trọng màu sắc, màu nào hợp với môi, làm sáng da hay màu nào đang trend… Chính sự thờ ơ, vô tâm trong những sản phẩm dùng để bôi lên mặt đã ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, nhan sắc, thậm chí gây ra những căn bệnh nguy hiểm khôn lường.
Theo Khám phá, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thanh Hùng, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
“Môi là bộ phận nằm ở vị trí trung tâm của khuôn mặt, đôi môi không chỉ đem đến vẻ đẹp hình thể mà còn là biểu hiện gợi cảm của giới tính. Một đôi môi đầy đặn, đường nét rõ ràng, màu sắc tươi nhuận và hài hòa với khuôn mặt, là biểu hiện của tuổi trẻ, sức khỏe và cả sự hấp dẫn của phái nữ.
Bờ môi, một vùng chuyển tiếp đặc biệt từ cấu trúc da đến màng niêm mạc, chỉ duy nhất được thấy ở loài người. Bờ môi không có lông, không có tuyến nước bọt. Thượng bì của bờ môi có cấu trúc đặc biệt, môi rất dễ tổn thương, dễ bị mất nước và khô. Môi khá nhạy cảm với môi trường, nếu tiếp xúc kéo dài với ánh nắng mặt trời, có thể bị bệnh viêm môi ánh sáng, hay thậm chí ung thư.”
Đặc biệt khi dùng son môi, bác sĩ Hùng lưu ý chị em cần cẩn trọng vì son môi có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng.
“Có nhiều kim loại nặng trong son môi, do đó không nên thoa quá nhiều lần. Nếu thoa các loại son này với tần suất 3 lần/ ngày thì lượng hấp thu các kim loại này vào cơ thể sẽ cao hơn ngưỡng cho phép. Sử dụng son môi nhiều hơn 3 lần mỗi ngày có thể gây nguy cơ mắc bệnh Lupus ban đỏ. Tại Việt Nam cũng đã có báo cáo về trường hợp ngộ độc chì do thoa son môi.”
Ngoài ra, son môi quá thường xuyên hay chọn phải những sản phẩm kém chất lượng còn gây ra những tác hại như:
– Môi thâm xì, tái nhợt: Mặc dù là son môi hàng fake hay có thương hiệu nổi tiếng đều có chứa lượng chì. Chỉ là son chất lượng sẽ được kiểm duyệt lượng chì vừa đủ trong mức cho phép. Tuy nhiên cứ thoa đi thoa lại nhiều lần trong ngày, cộng với việc lười tẩy da chết thì bị thâm xì, tái nhợt.
– Môi bị nổi mẩn, dị ứng: Nhiều người cứ thấy son “gắn mác” handmade là đặt niềm tin tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu không phải mua ở những nơi uy tín chất lượng thì nguy cơ chứa chì cũng rất cao. Và khi sử dụng vẫn dẫn đến tình trạng bị dị ứng, xuất hiện các nốt mụn nước, nổi mẩn đỏ…
– Hỏng men răng: Nghe có vẻ khó tin nhưng son môi quá thường xuyên có thể gây ra những vấn đề về răng miệng. Trong thành phần của son chứa paraphin, chất này gây nứt, mòn men răng. Nhiều người khi tô son sẽ dính vào răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy nếu lạm dụng son quá nhiều thì chị em phụ nữ rất có khả năng sẽ mắc phải các bệnh liên quan đến tuyến vú, hệ thần kinh và cả xương khớp…. Tuy rằng son môi có ảnh hưởng không nhỏ đến vẻ bề ngoài của chị em, nhưng nếu chúng ta lạm dụng son quá nhiều hoặc tô son không đúng cách thì sẽ để lại hậu quả khá nghiêm trọng.Hy vọng qua bài viết trên chị em có thể rút ra được kinh nghiệm tô son cho bản thân mình.